Sếu

 

Sếu là một loài chim được xem là linh thiêng, quý hiếm nằm trong sách đỏ của thế giới. Với người Việt Nam, sếu còn gọi là chim hạc, là biểu tượng của sức mạnh, sự trường tồn và lòng chung thủy. Việt Nam là một trong số ít quốc gia ở Khu vực Đông Nam Á có đàn sếu về cư ngụ.

Năm 1986, trong một chuyến khảo sát về hệ chim nước, các nhà khoa học Việt Nam, trong đó có các nhà khoa học ở Trung Tâm Tài Nguyên và Môi Trường, Trường Đại Học Tổng Hợp Hà Nội (nay là Trường ĐH Quốc gia Hà Nội) vui mừng phát hiện đàn chim sếu cư ngụ tại Tràm Chim. Lúc bấy giờ, khu vực này thuộc Công Ty Nông Lâm Ngư Trường Tràm Chim, vùng sinh cảnh đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười.

Sếu

 

Ngay sau đó, việc bảo tồn, bảo vệ sếu và các loài động, thực vật khác được chú trọng với nhiều quyết định của tỉnh, của Trung ương được ban hành. Tràm Chim trở thành “Khu Bảo Tồn Thiên Nhiên Đất Ngập Nước Của Quốc gia” với tổng diện tích là 7.313 ha. Kể từ ngày 02/02/2012 trở đi, khu đất ngập nước này trở thành di sản quý của nhân loại, là khu Ramsar thứ nhất của Đồng Bằng Sông Cửu Long, thứ 4 Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới.

Tràm Chim hằng năm luôn mong chờ mùa sếu trở về như một khách tri âm của vùng rừng tràm, cỏ năng, lúa ma vẫn còn nhiều nét hoang sơ này. Tuy nhiên, những vị khách quý ngày càng ít đi, và đến năm 2021 không còn về nữa.

"Tràm Chim sẽ nâng niu từng cánh sếu bay để thế hệ sau có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp của loài chim quý giá này. Nhiều năm qua, chính quyền và các nhà khoa học đã nghiên cứu tìm giải pháp để đưa sếu về lại Tràm Chim. “Đề án Bảo tồn và Phát triển Sếu Đầu đỏ giai đoạn 2022-2032” đã ra đời với nhiều giải pháp thiết thực.