Vườn quốc gia Tràm Chim (VQGTC) là đại diện cho hệ sinh thái Đông Nam Á tự nhiên cuối cùng còn sót lại của Đồng Tháp Mười xưa, là khu Ramsar thứ 4 Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới. Đây là một trong các vùng chim có tầm quan trọng quốc tế của Việt Nam, là nơi kiếm ăn và sinh sống của 232 loài chim. Trong đó, sếu đầu đỏ được xem như biểu tượng của Vườn quốc gia Tràm Chim, với số lượng sếu đầu đỏ nhiều nhất trong khu vực hạ lưu sông Mê Kông, có lúc ghi nhận hơn 1000 cá thể. Với sự đa dạng sinh học, xuất hiện nhiều bãi cỏ năn nên những năm qua, sếu đầu đỏ đã về Vườn Quốc gia Tràm Chim để tìm thức ăn. Đây là loài sinh vật hiếm, có tên trong Sách Đỏ thế giới, đang trong tình trạng nguy cấp cần được bảo vệ.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, số lượng sếu đầu đỏ về Tràm Chim càng lúc càng giảm. Trong các năm gần đây số lượng sếu ở Tràm Chim rất thấp, có năm không có cá thể nào về (như các năm 2020, 2022 và 2023). Với đà suy giảm nhanh chóng như hiện nay đàn sếu hoang dã tại Tràm Chim nói riêng và Việt Nam nói chung đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai gần.
Việc phục hồi và phát triển đàn sếu ở Vườn Quốc gia Tràm Chim bằng biện pháp nuôi và thả lại tự nhiên trong vòng 10 năm, đàn sếu sẽ có thể tự sinh sản và có thể tự tồn tại ngoài tự nhiên, sinh sống quanh năm ở Tràm Chim. Điều này mang lại nhiều ý nghĩa trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân tại nơi đây khi sếu đầu đỏ đã trở thành biểu tượng của Đồng Tháp để ghi đậm dấu ấn trong lòng du khách phương xa đến tham quan và trải nghiệm. Chính vì thế, việc thực hiện “Bảo tồn và Phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim” là rất cần thiết.