Chuyển giao Sếu đầu đỏ: Lần đầu tiên hợp tác song phương giữa hai quốc gia

Nhằm phục hồi và phát triển đàn Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim bằng biện pháp nuôi và thả lại tự nhiên, tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Tổ chức Công viên động vật học Thái Lan, Hiệp hội vườn thú Việt Nam, Hội Sếu Quốc tế và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn tiếp nhận 06 cá thể Sếu đầu đỏ đầu tiên từ Vương Quốc Thái Lan về Việt Nam. Tiến sĩ Trần Triết – Hội Sếu Quốc Tế, Giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh có chia sẻ với Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp xoay quanh nội dung này.

Phóng viên: Mới đây, tỉnh Đồng Tháp tổ chức đoàn sang Thái Lan để tiếp nhận 06 cá thể Sếu đầu đỏ để thực hiện công tác bảo tồn tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. Trực tiếp tham gia công tác này, xin ông chia sẻ cụ thể việc tiếp nhận và chuyển giao Sếu vừa rồi?

Tiến sĩ Trần Triết tham gia xuyên suốt hành trình chuyển giao, tiếp nhận Sếu đầu đỏ từ Thái Lan về Việt Nam

Tiến sĩ Trần Triết: Việc chuyển Sếu đầu đỏ từ Thái Lan về Việt Nam vừa rồi khá phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho các cá thể sếu. Đoạn đường di chuyển dài, vừa đường bộ vừa đường hàng không, trong thời tiết nóng ẩm. Các con sếu lại không được ăn và không có nước uống do phải ở trong thùng niêm phong phòng dịch. Toàn bộ thời gian di chuyển lên đến 16 giờ chưa kể thời gian chuẩn bị đưa vào thùng ở Thái Lan và đưa ra khỏi thùng ở Thảo Cầm Viên. Tuy nhiên với sự chuẩn bị cẩn thận, chu đáo đến từng chi tiết nhỏ của chuyên gia hai nước và Hội Sếu Quốc Tế, cùng với nỗ lực rất cao của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp giải quyết nhanh chóng tất cả các vấn đề về ngoại giao, thủ tục và hậu cần nên việc vận chuyển sếu đã đạt kết quả hoàn hảo. Tất cả 06 cá thể Sếu đầu đỏ đều khỏe mạnh, an toàn, thậm chí không một vết trầy xước. Đây là kết quả vượt mọi mong đợi của các chuyên gia.

Phóng viên: Việc chuyển giao, tiếp nhận Sếu đầu đỏ phục vụ cho công tác bảo tồn từ Thái Lan sang Việt Nam hay một quốc gia nào khác đã từng có chưa thưa ông?

Tiến sĩ Trần Triết: Đây là lần đầu tiên có hợp tác song phương giữa hai quốc gia trong việc chuyển giao các cá thể Sếu đầu đỏ phục vụ công tác bảo tồn, phục hồi quần thể loài và cũng là lần đầu tiên vận chuyển sếu đã lớn (07 tháng tuổi). Trước đây có hợp tác giữa Mỹ và Nga trong bảo tồn loài Sếu Siberia nhưng chỉ là vận chuyển trứng sếu. Ngay cả trong chương trình phục hồi loài Sếu Whooping Crane trong nước Mỹ thì việc vận chuyển cũng chỉ trong khoảng cách tương đối ngắn.

Nhóm chuyên gia Thái Lan, Việt Nam và Hội Sếu Quốc Tế cùng lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, Vườn Quốc gia Tràm Chim vui mừng sau khi hoàn thành

việc vận chuyển Sếu đầu đỏ về cách ly, chăm sóc tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn vào tối 10/4/2025

Phóng viên: Sự thích nghi của Sếu đầu đỏ từ Thái Lan về Việt Nam, cụ thể là Thảo Cầm viên Sài Gòn hiện nay như thế nào, thưa ông?

Tiến sĩ Trần Triết: Toàn bộ 06 cá thể Sếu đầu đỏ đều phục hồi rất nhanh. Đến hôm nay (ngày thứ 5 kể từ khi về đến Thảo Cầm Viên Sài Gòn), các cá thể sếu đều thể hiện những cử chỉ, hoạt động sung mãn, đã có thể bay những đoạn ngắn. Lượng thức ăn tiêu thụ tăng lên từng ngày. Ngoài thức ăn viên còn bổ sung thêm sâu gạo, dế và cá nhỏ.

Phóng viên: Ông có lưu ý gì đối với việc chăm sóc và nuôi dưỡng Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim?

Tiến sĩ Trần Triết: Cán bộ Vườn Quốc gia Tràm Chim đã được tập huấn tại Thái Lan về các kỹ năng chăm sóc sếu. Thức ăn và các trang thiết bị chăm sóc cũng đầy đủ. Điều kiện chuồng trại đạt yêu cầu. Tuy nhiên, cần chú ý rà và nhặt các mảnh kim loại rơi rớt dưới mặt đất trong thời gian thi công chuồng để tránh việc các con sếu nhặt lên ăn. Việc che mát cũng cần thiết trong điều kiện nắng nóng.

Phóng viên: Với vai trò là Giám đốc Chương trình Bảo tồn Sếu Đông Nam Á (Hội Sếu Quốc Tế), chuyên gia về sinh thái đất ngập nước, ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa, vai trò của công tác bảo tồn Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim?

Tiến sĩ Trần Triết: Chương trình bảo tồn Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim có nhiều ý nghĩa quan trọng. Ngoài việc đưa trở lại tự nhiên nhiều cá thể để giúp đàn sếu có thêm cơ hội tự phục hồi, chương trình còn tác động đến việc phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên trong vùng lõi Vườn Quốc gia và góp phần phát triển sản xuất lúa sinh thái trong vùng đệm. Mục tiêu của đề án là gầy dựng một đàn sếu có thể sống định cư quanh năm ở Đồng Tháp hay vùng lân cận trong đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, loài Sếu đầu đỏ còn có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam. Việc mang đàn sếu trở về Tràm Chim, Đồng Tháp, sẽ lan tỏa tín hiệu tích cực khắp cả nước.

Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim (Ảnh tư liệu). Nguồn: seudongthap.vn

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyệt Ánh thực hiện

Nguồn: https://dongthap.gov.vn/chi-tiet-bai-viet/-/asset_publisher/1mOzUrGkrdAE/content/id/23303620

Tin tức