Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp), nơi đây từng ghi nhận có hơn 1.000 cá thể Sếu đầu đỏ, một trong 15 loài sếu hiện đang tồn tại trên thế giới. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, số lượng Sếu đầu đỏ về Tràm Chim càng lúc càng giảm.
Trong các năm gần đây, số lượng sếu ở Tràm Chim rất thấp, có năm không có cá thể nào về. Số lượng đàn sếu ở Campuchia và Việt Nam cũng suy giảm nghiêm trọng, từ khoảng 800 cá thể vào 2010 chỉ còn chưa đến 200 cá thể theo như số liệu thống kê gần đây nhất (tháng 5/2022). Với đà suy giảm nhanh chóng như hiện nay đàn sếu hoang dã của Campuchia và Việt Nam đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai gần.
Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. Ảnh tư liệu: Nguyễn Văn Hùng
Tháng 11/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã quyết định phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032. Mục tiêu chung đặt ra là nhằm phục hồi và phát triển đàn Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim bằng biện pháp nuôi và thả lại tự nhiên. Trong vòng 10 năm, nuôi thả 100 cá thể sếu, tối thiểu có 50 cá thể sống sót.
Để thực hiện Đề án này, nhiệm vụ được đặt ra là nhận nuôi dưỡng sếu chuyển giao từ Thái Lan, nghiên cứu sinh sản và tái thả Sếu đầu đỏ về tự nhiên tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. Song song là việc cải tạo, phục hồi hệ sinh thái và sinh cảnh sống của sếu, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái bền vững (lúa), kết hợp tốt giữa việc đảm bảo sinh kế cho người dân và môi trường xung quanh vùng nuôi thả sếu.
“Tham vọng” đưa Sếu về sống quanh năm
Hơn 30 năm lặn lội với hoạt động bảo tồn Sếu đầu đỏ, từ nỗi niềm đau đáu, trăn trở khi đàn sếu Việt Nam - Campuchia bị đe dọa trước nguy cơ tuyệt chủng, đến thời điểm hiện tại, Tiến sĩ Trần Triết – Giám đốc Chương trình Bảo tồn Sếu Đông Nam Á (Hội Sếu quốc tế), Giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) vui mừng hơn trước sự quyết liệt vào cuộc của chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, của cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là người dân cùng chung tay đưa đàn sếu trở về với Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Theo Tiến sĩ Trần Triết, để sếu có thể sống quanh năm ở Tràm Chim, cốt lõi là môi trường trong sạch
“Chúng ta đặt ra tham vọng, mục tiêu cao cho đề án này” - Tiến sĩ Triết thừa nhận nhưng cũng bày tỏ tin tưởng tỉnh Đồng Tháp nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ đạt được mục tiêu đề án, với điều kiện môi trường vùng lõi tại Vườn Quốc gia Tràm Chim phải được phục hồi.
Theo Tiến sĩ Trần Triết, đàn Sếu đầu đỏ Việt Nam - Campuchia thường di chuyển theo mùa, vào mùa mưa là mùa sinh sản của sếu sẽ ở phía Bắc Campuchia, đến mùa khô sếu mới di cư về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, như Đồng Tháp, Kiên Giang. Do đó muốn có đàn sếu định cư ở khu vực này quanh năm, cần phải có nơi sống thích hợp cho sếu, quan trọng nhất là nơi ở trong mùa sinh sản. Trong giai đoạn sinh sản, Sếu đầu đỏ sẽ ra ruộng làm tổ, sinh đẻ, nuôi con và tìm thức ăn, đây là giai đoạn quan trọng nhất để bảo vệ sếu. Bởi vậy ruộng lúa phải đảm bảo chất lượng môi trường trong sạch, không có hóa chất độc hại, canh tác lúa thân thiện với môi trường, sinh vật và đảm bảo an toàn. “Cốt lõi là môi trường trong sạch” - Tiến sĩ Trần Triết quả quyết.
Một góc Vườn Quốc gia Tràm Chim
Có giai đoạn rất dài ở Vườn Quốc gia Tràm Chim vì yêu cầu phòng cháy, chữa cháy cho rừng tràm, vì thế phải quản lý lượng nước cho mục tiêu đó, điều này ảnh hưởng đến việc duy trì toàn vẹn hệ sinh thái dẫn đến môi trường sống không phù hợp với Sếu đầu đỏ. Cuối năm 2023, Vườn Quốc gia Tràm Chim đã tiến hành điều tiết nước theo các kỹ thuật đã được nghiên cứu kỹ lưỡng bằng cách hạ mực nước theo đúng thiết kế nhằm tái tạo lại hệ sinh thái tự nhiên của Tràm Chim - đại diện hệ sinh thái Đồng Tháp Mười. Điều kiện ngập - khô luân phiên là điều kiện sinh thái tự nhiên và nhờ sự điều tiết nó đã phục hồi nhanh chóng, chất lượng nước cũng được cải thiện rõ rệt, các loài thủy sinh vật tốt hơn, thể hiện rõ về số lượng cá thể tăng lên.
Chỉ qua một năm điều tiết, các nhà khoa học rất bất ngờ vì Vườn Quốc gia Tràm Chim đã đón rất nhiều loài chim quay về. Đặc biệt năm 2024, 04 con Sếu đầu đỏ đã bay về Vườn Quốc gia Tràm Chim “thám thính”, đó là tín hiệu đáng mừng cho thấy sự môi trường đang được quản lý đúng đắn, phục hồi được nơi sống và thả sếu, thu hút sếu tự nhiên tìm về.
“Điều quan trọng là tái lập môi trường tự nhiên để sếu quay lại Tràm Chim như nó đã từng sống trước đây” - Tiến sĩ Trần Triết kỳ vọng.
Đất lành chim đậu
Thạc sĩ Nguyễn Hoài Bảo - Giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) không khỏi suy tư trước sự sụt giảm nghiêm trọng của loài Sếu đầu đỏ, được xếp vào Sách đỏ thế giới của Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (Tổ chức IUCN).
Thạc sĩ Nguyễn Hoài Bảo chia sẻ giải pháp phục hồi môi trường sống cho sếu
“Phải biến mảnh đất Đồng Tháp nói riêng, Việt Nam nói chung thành mảnh đất lành” - Thạc sĩ Bảo quả quyết. Ông lý giải, cha ông ta xưa có câu: “Đất lành chim đậu”, do đó để sếu trở về cần tạo ra một mảnh đất lành, môi trường trong sạch làm nơi cư ngụ của sếu.
Theo Thạc sĩ Bảo, không chỉ dừng lại ở một năm, hai năm, công cuộc phục hồi môi trường sống cho sếu phải là câu chuyện dài hơi có thể là chục năm, thậm chí cả trăm năm. Ông thẳng thắn nhìn nhận, để phục hồi nguyên bảo môi trường Đồng Tháp Mười như trước kia rất khó, nhưng chúng ta có thể chung tay để phục hồi được phần nào đó với mục tiêu trong suốt 10 năm. Để sếu trở về, phải bắt tay vào phục hồi môi trường sống xung quanh Vườn Quốc gia Tràm Chim, phục hồi trong vùng lõi, phục hồi hệ sinh thái nông nghiệp và đặc biệt kêu gọi sự ủng hộ của người dân địa phương.
Điều mừng nhất là Đề án nói trên được cộng đồng, đặc biệt là người dân huyện Tam Nông quan tâm, ủng hộ. Theo ông Bảo, để biến mảnh đất Đồng Tháp và Việt Nam thành mảnh “đất lành” thì phải cho người dân thấy được biểu tượng của loài Sếu đầu đỏ là chỉ dấu về một môi trường trong sạch hơn. Cùng với đó là tạo sinh kế, giúp bà con nhìn thấy được lợi ích của việc chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang mô hình lúa sinh thái, để trên mỗi mảng xanh của lúa, sếu và các loài chim muông có thể sinh sống mà không sợ hóa chất cùng sự ô nhiễm môi trường đe dọa.
Sản phẩm gạo SENTARA của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch WildBird được trồng tại xã Phú Thành A, huyện Tam Nông theo mô hình sinh thái lúa – cá - vịt và sử dụng 100% bằng phân bón hữu cơ
Bên cạnh đó, không chỉ sản xuất nông nghiệp mà còn kết hợp với phát triển du lịch, chuyển đổi nông nghiệp theo hướng sinh thái để từ chính mảnh đất từng hứng chịu hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, loài Sếu đầu đỏ quý hiếm có thể sống và sinh sôi.
Nguyệt Ánh
https://dongthap.gov.vn/chi-tiet-bai-viet/-/asset_publisher/1mOzUrGkrdAE/content/id/21357673?plidlayout=48
Lúc 11 giờ sáng ngày 26/12, nhân viên bảo vệ Trạm Phú Hiệp, Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông), ghi nhận 07 con sếu bay ngang trạm về hướng khu A5 của Vườn.
Thực hiện Kế hoạch số 103/KH-STTTT ngày 29 tháng 11 năm 2024 của Sở Thông tin và Truyền thông về tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu về Sếu đầu đỏ” trên ứng dụng e-DongThap, Cuộc thi diễn ra từ ngày 01/12/2024 đến ngày 10/12/2024 trên ứng dụng e-DongThap đã thu hút hơn 18.600 lượt người tham dự.
Sáng ngày 12/12, tại Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông), Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức Chương trình công bố “Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 – 2032”. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phát biểu chào mừng.
Nhằm quảng bá và kêu gọi sự hỗ trợ, hợp tác của các Bộ, ngành có liên quan, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, các chuyên gia, nhà khoa học trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển hệ sinh thái đặc trưng của tỉnh Đồng Tháp; đặc biệt là công tác bảo tồn loài Sếu đầu đỏ quý hiếm tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức Chương trình công bố Đề án “Bảo tồn và Phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 – 2032”. Dưới đây là chương trình hoạt động.
Đề án Bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim được thực hiện trong thời gian 10 năm (2022 – 2032). Đây là đề án “dài hơi”, mang tầm vóc quốc tế, do đó cần sự chung tay, đồng hành của cả cộng đồng, đặc biệt là các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước.
Từ các vật liệu có sẵn tại địa phương và thân thiện với môi trường như: Rơm, giấy báo, đất sét v.v. những nghệ nhân đến từ làng Sawai So, tỉnh Buriram (Thái Lan) phối hợp cùng các nghệ nhân tại huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) tạo nên những mô hình Sếu đầu đỏ đầy sinh động, sắc nét. Hoạt động này diễn ra vào sáng ngày 07/12, tại Khu du lịch Tràm Chim, huyện Tam Nông.
Đây là cuộc thi do Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam tổ chức, diễn ra từ ngày 01 đến 10/12, trên ứng dụng e-DongThap.
Đồng Tháp đã ban hành Đề án Bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng Sếu, tái thả Sếu đầu đỏ về tự nhiên tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, Đề án còn có nhiệm vụ quan trọng đó là phục hồi hệ sinh thái, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái bền vững (lúa), kết hợp tốt giữa việc đảm bảo sinh kế cho người dân và môi trường xung quanh vùng nuôi thả Sếu về môi trường tự nhiên.
Đây là cánh đồng ruộng hơn 2.000 hecta của nông dân khu ô bao số 52, tại ấp Cà Dâm, xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông (thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim). Nông dân trong khu ô bao không làm lúa vụ 3 mà xả lũ, đón phù sa. Nhờ vậy, lượng cua, ốc, cá và các loài thủy sinh có trên đồng khá nhiều.